ThuanNguyen.NET – Kỷ nguyên của kết nối và kiến tạo

Bình chọn

Dòng GPU GeForce GTX 10 Series mà NVIDIA vừa ra mắt là thứ rất đáng quan tâm, nhất là với anh em nào thích chơi game. Có ba GPU ra mắt ở đợt đầu, bao gồm GTX 1080, 1070 và 1060 sắp xếp theo độ mảnh giảm dần. Trong số này, GTX 1080 là nổi nhất vì nó gần như giống với card GTX 1080 dành cho desktop ra mắt cách đây không lâu và được mệnh danh là một trong những card chơi game mạnh nhất mà NVIDIA đang bán trên thị trường. Hãy cùng tìm hiểu thêm một số thông tin hay khác liên quan đến dòng GPU mới này nhé.

NVIDIA GeForce GTX 10

Cách đặt tên mới nhưng không mới

Với dòng GeForce GTX 10 Series mới dành cho laptop, một trong những yếu tố rất đáng chú ý đó là NVIDIA đã không còn đính kèm chữ M theo sau tên sản phẩm. Thực chất đây không phải là lần đầu tiên công ty làm việc này, từ GTX 980 hãng đã ra mắt một phiên bản cho laptop với sức mạnh gần như bằng với bản cho desktop luôn. Chỉ là đợt đó ra mắt cũng đã khá lâu, lại không phải là một quả “bom tấn” nên người ta không chú ý nhiều như GTX 10 Series đợt này.

NVIDIA GeForce GTX 10 Series

Cách đặt tên mới sẽ giúp đơn giản hóa tên gọi sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ nhớ và dễ chọn lựa hơn khi có thể nhanh chóng liên tưởng đến card desktop lúc họ đi mua laptop. NVIDIA cũng muốn chúng ta hiểu rằng card GTX 1080 cho laptop thì cũng sẽ tốt hơn GTX 1080 cho desktop, dù thực chất cũng sẽ có những sự khác biệt nhất định (trang AnandTech nói là biến thiên chỉ trong tầm 10%). Hồi trước, GPU GTX 980M cho laptop chỉ được đánh giá là mạnh cỡ cỡ GTX 970 cho desktop mà thôi.

Có cả card gắn rời lẫn hàn chết

Thiết kế của GPU GTX 10 Series sẽ có hai loại: loại card rời MXM và loại hàn chết lên mainboard. Loại hàn chết thì đã quá quen thuộc với anh em rồi vì nó đang được sử dụng rất rộng rãi và chủ yếu dành cho những chiếc laptop có kích thước tương đối mỏng. Trong khi đó, MXM lại là một bo mạch rồi chứa GPU trên đó và bạn có thể gỡ ra để thay thế bằng những model mới hơn.

Tìm hiểu thêm:  RAM ECC là gì? Có bao nhiêu lại RAM ECC

card rời MXM

Nếu bạn chưa biết thì MXM viết tắt cho chữ Mobile PCI Express Module, nó là một chuẩn dùng để kết nối GPU rời vào máy tính xách tay và được tạo ra với mục đích cho phép nhiều hãng có thể dùng chung cổng, không cần tới những giao tiếp độc quyền của riêng họ. Cấu hình của MXM có rất nhiều thứ được định nghĩa bởi NVIDIA, tuy nhiên bản thân NVIDIA chẳng sản xuất card MXM nào cả. Bất kì GPU NVIDIA hoặc AMD nào cũng có thể được sản xuất theo dạng MXM, tuy nhiên máy tính có hỗ trợ hay không là do nhà sản xuất máy quyết định cho không phải do hãng cung cấp GPU. Clevo, MSI, Alienware, HP đều có các mẫu máy dùng MXM, chủ yếu là những dòng máy chơi game, máy trạm và máy cao cấp.

Kiến trúc Pascal

Nhân xử lý bên trong của dòng GeForce GTX 10 Series thuộc thế hệ Pascal, tức là thế hệ vi kiến trúc GPU mới nhất của NVIDIA. Điều này có nghĩa là các GPU này đều được sản xuất trên dây chuyền 16nm FinFET nên sẽ có hiệu quả tiêu thụ năng lượng tốt hơn cũng như hiệu năng cao hơn so với đời trước vốn dùng công nghệ 28nm. Đây cũng là lý do vì sao NVIDIA có thể cài xung nhịp cao hơn hẳn cho dòng GTX 10 Series. Pascal được tạo ra không chỉ dành cho mục đích xử lý đồ họa mà còn dành cho những công việc tính toán nặng nhưng đó không phải là chức năng chính mà GTX 10 Series nhắm tới.

Pascal cũng có hỗ trợ công nghệ kết nối NVIDIA NVLink. NVLink có thể xem là những đường kết nối và truyền dữ liệu giữa các GPU với nhau nên công việc có thể chia ra cho nhiều card đồ họa cùng xử lý cùng lúc. Theo NVIDIA thì NVLink có thể giúp tăng nhanh tốc độ truyền tải gấp 5 lần so với giải pháp cạnh tranh.

Sẵn nói về vi kiến trúc, chúng ta hãy bàn một chút về con chip đồ họa được dùng trong GeForce GTX 10 Series. GTX 1080 và 1070 dùng chip GP104, còn bản GTX 1060 dùng chip GP106. Về mặt lý thuyết thì chúng y hệt như những con chip dùng trên GTX 1080, 1070 và 1060 bản dành cho desktop vậy, tuy nhiên xung nhịp cơ bản được chỉnh thấp hơn để có lợi về mặt tiêu thụ năng lượng, vốn là thứ vô cùng quan trọng với máy tính xách tay.

Tìm hiểu thêm:  Giải mã nhầm lẫn phía sau cổng Thunderbolt/USB 4 trên các thiết bị M1 của Apple

Cấu hình cơ bản của NVIDIA GTX 1080 và 1070 laptop

GTX 1080 laptopGTX 1080 desktopGTX 1070 laptopGTX 980M laptop
vRAM8GB8GB8GB4GB
Công nghệ16nm16nm16nm28nm
Số bóng bán dẫn7,2 tỉ7,2 tỉ7,2 tỉ5,2 tỉ
Xung cơ bản1556MHz1607MHz1442MHz1038MHz
Xung boost1733MHz1733MHz1645MHz
Số nhân CUDA2560256020481536
Tên chip GPUGP104GP104GP104GM204

Sự khác biệt của GTX 10 Series bản cho desktop với bản cho laptop chính là chức năng Battery Boost. Công nghệ này xuất hiện lần đầu tiên ở dòng GTX 800M, nó sử dụng một cơ chế giám sát xung nhịp kết hợp với frame rate để giảm liệu lượng điện cần dùng cho mỗi khung hình, từ đó tăng thời gian xài pin của máy tính xách tay. Phiên bản Battery Boost mới ra mắt cách đây 2 hôm nâng cao kĩ thuật này với việc tăng tính ổn định của các khung hình, tức là giảm sự biến thiên giữa từng frame để bạn có được trải nghiệm hình ảnh tốt và mượt mà hơn. Như trong tấm ảnh bên dưới, bạn có thể thấy Battery Boost mới ổn định số khung hình ở mức 30fps trong suốt thời gian card hoạt động (đường kẻ màu xanh lá), trong khi bản cũ thì biến thiên nhiều và nhanh (các đường màu trắng). Nếu cần, Battery Boost cũng sẽ giảm cấu hình game để tiết kiệm pin hơn nữa.

NVIDIA không tiết lộ về con số TDP của các GPU Pascal cho laptop, tuy nhiên có một điều chắc chắn là chúng sẽ không thấp, hẳn là sẽ nằm ở mức 3 con số. Nhiều khả năng nó cũng sẽ cao hơn so với dòng 900M trước đây, nhưng những gì chúng mang lại sẽ rất xứng đáng.

Tối ưu khả năng tiêu thụ điện cho laptop

Cho phép nhà sản xuất laptop tăng xung nhịp

Cũng cần nói thêm rằng GTX 10-Series là dòng GPU laptop đầu tiên từ NVIDIA chính thức hỗ trợ ép xung từ phía nhà sản xuất phần cứng. Tương tự như card dành cho desktop, các hãng laptop có thể nâng xung nhịp GPU trên thiết bị của họ lên cao hơn so với con số tiêu chuẩn, hay nói cách khác là họ có thể làm ra những chiếc laptop mạnh hơn. Tất nhiên, việc nâng xung cũng sẽ kéo theo vấn đề tản nhiệt, vậy nên nhiều khả năng vụ tăng xung này chỉ có trên những laptop chơi game cao cấp với hệ thống tản nhiệt tốt. Cũng rất có thể những GPU được tăng xung sẽ được làm theo dạng card rời MXM để nhà sản xuất có thể dễ dàng kiểm tra và đo đạc các thông số, tương tự như cách họ kiểm tra card đồ họa cho máy để bàn.

Tìm hiểu thêm:  Sơ lược về GPU Computing - Điện toán GPU

Hỗ trợ màn hình G-SYNC xịn hơn

Cuối cùng, GTX 10 Series trên laptop đã tăng khả năng hỗ trợ cho màn hinh G-SYNC. Trước đây nó chỉ hỗ trợ màn hình 1920 x 1080 với tần số quét 75Hz, còn bây giờ là 2560 x 1440 ở tần số 120Hz. Giống với thế hệ trước, chỉ những máy tính nào có màn hình được kết nối trực tiếp với GPU thì mới dùng được G-SYNC, còn những laptop hỗ trợ công nghệ tiết kiệm pin Optimus thì không có vì phải đi vòng qua CPU.

G SYNC

Sẵn sàng cho VR

Ngày nay game thực tế ảo không phải là thứ gì đó quá xa vời, tuy nhiên nó vẫn là thứ mà không ai cũng có thể tiếp cận được vì đòi hỏi một cấu hình máy tính rất mạnh. Nếu xài laptop, bạn sẽ cần phải có GPU cỡ GTX 980M trở lên thì mới chơi được game VR một cách mượt mà vì máy phải xuất hình ảnh độ phân giải cao ra tận hai bên mắt của bạn chứ không chỉ là một cái nữa. Với sự xuất hiện của GTX 10 Series mới, nhất là con GTX 1060 dành cho thị trường tầm “trung” thì chúng ta có thể kỳ vọng rằng game VR sẽ phổ biến hơn nữa trong thời gian tới. Khi mà hiệu năng của card laptop đã tiệm cận với card desktop thì chuyện dùng laptop chơi game VR không còn là giác mơ xa vời.

ThuanNguyen.Net