Nếu nói đến các cổng kết nối được trang bị trên những hệ thống máy tính hiện đại, chắc hẳn anh em thường gặp nhất là USB Type-A, USB Type-C và Thunderbolt. Sự kết hợp về số lượng của các cổng giao tiếp này sẽ khác nhau, thường số lượng nhiều hơn là USB Type-A, Type-C rồi mới đến Thunderbolt, với phiên bản mới nhất hiện nay là Thunderbolt 4.
Xét về tính ứng dụng, Thunderbolt 4 có thể hiểu theo cách đơn giản nhất là “tất cả trong một”, được phát triển từ chuẩn Thunderbolt 3 và sử dụng hình thức cổng kết nối USB Type-C. USB Type-C đang dần trở nên rất phổ biến nhằm thay thế các cổng kết nối xưa cũ, không chỉ tiện lợi trong sử dụng mà còn giúp thiết kế thiết bị mỏng gọn hơn. Thunderbolt 4 có khả năng tương thích ngược với các phiên bản trước, mặc dù đối với Thunderbolt 1 và Thunderbolt 2, người dùng sẽ cần sự hỗ trợ của adapter.
Intel chính thức công bố Thunderbolt 4 vào đầu năm 2020, bắt đầu được trang bị trên các mẫu laptop dùng vi xử lý Intel Core thế hệ 11 cho đến nay. Tương tự như các phiên bản trước, Thunderbolt 4 hỗ trợ truyền tải tín hiệu PCI Express, DisplayPort và USB chỉ với 1 cáp kết nối duy nhất, có chiều dài lên đến 2 m. So với Thunderbolt 3, thế hệ 4 đã tăng yêu cầu băng thông truyền tải PCIe tối thiểu lên gấp đôi (32 Gbps so với 16 Gbps), bổ sung khả năng hỗ trợ 2 màn hình 4K hiển thị ở tần số quét 60 Hz qua giao thức DisplayPort 1.4. Ngoài ra, Thunderbolt 4 cũng có thêm vài cải tiến mang lại sự tiện dụng như khởi động lại PC từ chế độ Sleep, hỗ trợ các phụ kiện có tối đa đến 4 cổng Thunderbolt và hỗ trợ bảo vệ Intel VT-d DMA (Direct Memory Access) dành cho các máy ảo.
Thunderbolt 4 hỗ trợ băng thông 2 chiều lên đến 40 Gbps, biến nó thành chuẩn truyền dữ liệu lý tưởng giữa 2 hệ thống PC, hoặc từ SSD hay GPU gắn ngoài vào hệ thống chính. Đối với thiết bị di động mà cụ thể là laptop hiện đại, Thunderbolt 4 còn cung cấp khả năng sạc, giải quyết bài toán quá nhiều dây cáp và chuẩn cắm, đơn giản hóa trong việc mang theo phụ kiện cho người dùng. Nhờ khả năng tương thích rộng lớn, các thiết bị ngoại vi dùng USB 4 với đầu kết nối Type-C có thể được sử dụng trực tiếp ở cổng Thunderbolt 4 và cho tốc độ tối đa đến 20 Gbps. Với sự hỗ trợ của các thiết bị chuyển đổi (adapter), người dùng cũng dễ dàng sử dụng các thiết bị có chuẩn USB cũ hơn mà không cần lo lắng.
Các nhà sản xuất thứ ba cũng nhanh chóng tận dụng Thunderbolt 4 và cung cấp ra thị trường những giải pháp docking (đế mở rộng), cho phép tăng cường thêm các kết nối cần thiết – thứ vốn khá hiếm và phải lược bỏ bớt do nhu cầu thiết bị siêu mỏng nhẹ. Đơn cử ví dụ như CalDigit TS4 Thunderbolt 4 Dock bổ sung thêm đến 18 cổng khác nhau (mạng 2.5 GbE, DisplayPort 1.2, USB 3.2 Type-A, USB 3.2 Type-C, đầu đọc thẻ nhớ…) mà chỉ cần kết nối với laptop qua duy nhất 1 cổng Thunderbolt 4. Ngoài ra, giải pháp này cũng có khả năng sạc ở mức công suất lớn nhất là 98 W, so với phiên bản cũ hơn dùng Thunderbolt 3 chỉ dừng lại ở 87 W.
Không chỉ xuất hiện trên desktop và laptop nền tảng Intel, Thunderbolt 4 cũng được trang bị trên iPad Pro và máy Mac thế hệ mới. Về phía đội đỏ, người dùng AMD (Ryzen 6000 Series) không được hỗ trợ Thunderbolt 4 native mà chỉ có chuẩn USB 4.
ThuanNguyen.NET