Internet ngày càng phức tạp và tồn tại nhiều nguy hiểm khiến những người cần bảo mật, giảm nguy cơ rò rỉ thông tin phải tìm đến các cách thức kết nối an toàn khi tham gia vào internet. VPN là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất.
VPN là gì?
VPN là viết tắt của từ Virtual Private Network hay còn được gọi với cái tên là mạng riêng ảo, là một công nghệ về mạng giúp tạo kết nối mạng an toàn khi tham gia vào một mạng công cộng như Internet hoặc là một mạng riêng do một nhà cung cấp dịch vụ sở hữu.
Tại các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp lớn và các cơ sở giáo dục thường sử dụng công nghệ VPN để cho phép người dùng từ xa có thể kết nối an toàn đến mạng riêng của cơ quan mình.
Để có thể truy cập vào một hệ thống VPN, thì cần có một tài khoản được xác thực (phải có username và password từ hệ thống VPN).
VPN dùng để làm gì?
Khi sử dụng một máy tính, điện thoại, máy tính bảng hoặc một thiết bị nào đó có thể kết nối Internet để kết nối với VPN, thì máy tính khi truy cập vào VPN đó sẽ hoạt động giống như nó đang nằm trong cùng mạng nội bộ với VPN. Tất cả lượt truy cập trên mạng được kết nối an toàn tới VPN. Vì vậy, bạn có thể truy cập an toàn đến các tài nguyên trong mạng nội bộ khi đang ở xa.
Giúp truy cập vào hệ thống mạng doanh nghiệp khi ở xa: Ở trường hợp này, VPN thường được sử dụng bởi những doanh nhân thường làm việc ở xa doanh nghiệp. Họ có thể truy cập vào hệ thống mạng của doanh nghiệp mình, từ đó họ làm việc hoặc truy cập, thao tác các dữ liệu của công ty khi họ đang đi công tác xa, đi trên đường hoặc đang đi du lịch,… Nhờ đó các nguồn thông tin dữ liệu trong hệ thống VPN của doanh nghiệp không tiếp xúc trực tiếp với Internet, vì vậy làm tăng thêm tính bảo mật cho thông tin của doanh nghiệp.
Giúp truy cập mạng gia đình, dù khi không ở nhà: Bạn cũng có thể thiết lập một hệ thống VPN riêng cho mạng Internet ở nhà để truy cập khi không có ở nhà. Ở trường hợp này VPN giúp bạn có thể truy cập từ xa thông qua Internet hoặc sử dụng các tập tin được chia sẻ trong mạng nội bộ.
Duyệt web ẩn danh: Khi duyệt web với VPN, thiết bị mà bạn dùng để truy cập một trang web nào đó thông qua kết nối VPN được mã hóa. Mọi thông tin dữ liệu, yêu cầu hoặc trao đổi giữa bạn và website sẽ được truyền tải trong một kết nối an toàn. Nếu bạn đang sử dụng mạng Wifi công cộng và đang truy cập vào những trang web không phải dạng https thì tính an toàn của dữ liệu khi trao đổi trong mạng sẽ dễ bị lộ. Vì vậy, nếu muốn ẩn những hoạt động khi duyệt web của mình để các thông tin dữ liệu được bảo mật hơn thì bạn nên kết nối VPN khi sử dụng. Khi đó, mọi thông tin truyền tải qua mạng khi đó sẽ được mã hóa và bảo mật an toàn.
Truy cập tới những website bị chặn vì giới hạn địa lý: Bạn cũng có thể sử dụng Internet giống như đang ở vị trí của VPN, điều này mang lại một số lợi ích khi truy cập và sử dụng kết nối Wifi công cộng hoặc truy cập một trang web bị chặn và bị giới hạn địa lý. VPN giúp bạn vượt qua được tường lửa hoặc truy cập vào một website mà website đó chặn lượt truy cập tới từ một số quốc gia mà họ đã định sẵn. Ví dụ như bạn sử dụng VPN tại Mĩ để truy cập vào trang web xem phim như Netflix, thì Netflix sẽ thấy kết nối của bạn đến từ Mĩ.
Tải tập tin: Khi bạn tải một file torrent nào đó trên VPN thì sẽ giúp tăng tốc độ tải file.
Tóm lại, công dụng của VPN được rút gọn như sau:
– Remote Access: Giúp truy cập từ xa thông qua Internet vào một hệ thống mạng của doanh nghiệp hoặc cá nhân để chia sẻ dữ liệu hoặc thao tác dữ liệu nội bộ.
– Site-to-site: Nếu công ty có nhiều chi nhánh hoặc văn phòng, thì việc kết nối các mạng tại các chi nhánh và văn phòng lại với nhau thành một hệ thống mạng thống nhất sẽ đem lại những hiệu quả ấn tượng trong việc quản lý và chia sẻ thông tin.
– Intranet/ Internal VPN: được sử dụng để truyền tải, trao đổi thông tin riêng tư cần bảo mật giữa một hoặc một số bộ phận. Là giải pháp tốt với chi phí thấp cho một số việc đòi hỏi tính chất bảo mật cao.
Ưu điểm, nhược điểm của mạng riêng ảo VPN.
Để xây dựng lên một hệ thống mạng riêng, mạng riêng ảo cá nhân thì VPN là một giải pháp không hề tốn kém. Vì môi trường Internet là cầu nối giao tiếp chính cho việc truyền tải dữ liệu, xét về mặt chi phí đầu tư thì nó hoàn toàn hợp lý so với việc trả một khoản chi phí để thiết lập một đường kết nối riêng với giá thành cao. Ngoài ra việc sử dụng hệ thống phần mềm, phần cứng hỗ trợ cho việc xác thực tài khoản khi truy cập vào VPN cũng không phải là rẻ.
VPN là một giải pháp tuyệt vời cho những vấn đề bảo mật riêng tư như bài viết đã đề cập ở trên, mặc dù vậy nó không phải là một giải pháp hoàn hảo. Điểm trừ của VPN là tốc độ. Khi bạn gửi một dữ liệu của mình đến một nơi nào đó xa khoảng nữa vòng trái đất trước khi nó tới đúng máy chủ cần thiết, thì tốc độ kết nối của VPN sẽ chậm hơn kết nối bình thường. Ngoài ra, một số nhà cung cấp VPN sẽ giới hạn một lượng tài nguyên nhất định.
Bên cạnh đó, VPN không có khả năng quản lý Quality of Service (QoS) qua môi trường Internet, do đó các gói dữ liệu (data package)vẫn có nguy cơ gặp rủi ro hoặc thất lạc. Khả năng quản lý của các nhà cung cấp VPN cũng có hạn, nên không ai có thể hình dung trước được những gì có thể xảy ra đối với khách hàng xử dụng dịch vụ VPN của họ, hay nói nôm na là bị hack.
ThuanNguyen.Net