ThuanNguyen.NET – Kỷ nguyên của kết nối và kiến tạo

Bình chọn

Một nhà mạng lớn vừa phát đi khuyến cáo đến với khách hàng khi liên tiếp nhận được những phản ánh về tình trạng giả mạo nhà mạng để quảng cáo, chào mua SIM và các sản phẩm dịch vụ bất động sản.

Đại diện nhà mạng này cho biết, thời gian gần đây, nhiều thuê bao di động phản ánh liên tục nhận được các cuộc gọi tự động với nội dung mạo danh nhà mạng VinaPhone hoặc VNPT. Đây là những cuộc gọi tự động phát ra nội dung “Trung tâm SIM số đẹp VinaPhone”. VinaPhone khẳng định đó đều là những cuộc gọi giả danh VinaPhone với mục đích làm phiền khách hàng và trục lợi. Hình thức giả mạo tinh vi này có thể gây ra những rủi ro đáng tiếc cho khách hàng cũng như ảnh hưởng đến uy tín của VinaPhone.

VinaPhone khuyến nghị khách hàng cảnh giác với các cuộc gọi từ số điện thoại không chính thống của nhà mạng. Đồng thời kính mong quý khách cùng hợp tác với VinaPhone để xử lý triệt để vấn nạn này theo các nội dung: Liên hệ tổng đài Chăm sóc khách hàng 18001091/9191/800126/18001166 (phục vụ 24/24h) để kiểm tra các thông tin chính xác và thông báo các cuộc gọi quấy rối; không thực hiện các cuộc gọi nhằm mục đích quảng cáo, chào mời mua sản phẩm, dịch vụ… gây ảnh hưởng đến khách hàng khác.

Trước đó, VNPT VinaPhone cũng liên tiếp cảnh báo người dân trong năm qua về tình trạng lừa đảo giả mạo số tổng đài bán hàng của VNPT để nhắc nợ cước nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Tìm hiểu thêm:  Thế hệ co-processor Xeon Phi mới dùng cho xử lý trí tuệ nhân tạo

Các đối tượng này giả mạo đầu số bán hàng 18001166 của VNPT gọi đến số cố định để nhắc nợ cước điện thoại với số tiền lớn yêu cầu thanh toán ngay nếu không sẽ tạm dừng liên lạc và khởi kiện ra tòa.

VNPT VinaPhone cũng cho biết, việc lừa đảo này nhằm mục đích thu thập trái phép các thông tin cá nhân của khách hàng (tên, tuổi, địa chỉ, số CMTND, hộ khẩu, tài khoản ngân hàng…) chiếm đoạt tiền bằng cách cung cấp số tài khoản để khách hàng thanh toán hoặc dẫn dụ khách hàng bấm số gọi lại với mục đích chuyển tiếp cuộc gọi từ máy của khách hàng vào các đầu số dịch vụ giá cước cao. Sau đó các đối tượng này sẽ trục lợi từ việc hưởng cước phí do người dùng thực hiện cuộc gọi đi.

Trong tháng 4 năm nay, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội đã phát đi cảnh báo với người dân về tình hình một số đối tượng lừa đảo mạo danh công an lừa đảo tiền của người dân. Cụ thể, từ ngày 16/3 đến 11/4, Phòng CSHD Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận 3 trường hợp bị lừa trên 7 tỉ đồng.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương (Cục CT&BVNTD), thời gian gần đây ghi nhận nhiều phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc bị gọi điện, nhắn tin với mục đích đe dọa, nhắc nợ mặc dù người tiêu dùng không vay nợ từ tổ chức, đơn vị liên quan. Các hình thức quấy rối này hiện gây ra sự bức xúc và ảnh hưởng tới cuộc sống và công việc hàng ngày của người tiêu dùng.

Tìm hiểu thêm:  Những xu thế công nghệ 2020 làm thay đổi cuộc sống

Văn bản của Cục cũng cho biết, người tiêu dùng (chủ yếu là thuê bao của mạng Vinaphone) liên tục nhận các cuộc điện thoại hoặc tin nhắn với nội dung đề nghị trả khoản nợ. Người tiêu dùng đã thông báo về việc bị gọi nhầm và đề nghị đơn vị liên hệ kiểm tra lại thông tin để tránh tình trạng tiếp tục gọi điện nhầm. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn tiếp tục bị gọi điện nhắc nợ, một số trường hợp bị gọi điện quấy rối liên tục trong 6 tháng gần đây, tần suất cuộc gọi nhiều nhất là 10 cuộc/ngày.

Theo thống kê, trong những tháng đầu năm 2018, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng – 18006838 đã tiếp nhận 90 cuộc gọi phản ánh của người tiêu dùng với nội dung như trên.

Nhằm xử lý các trường hợp nêu trên, tránh tình trạng bị quấy rối, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hàng ngày, Cục CT&BVNTD lưu ý người tiêu dùng cần xác định tên của đơn vị liên quan và khiếu nại tới đơn vị chủ quản.

Cụ thể hơn, trong trường hợp nhân viên liên hệ không cung cấp hoặc không nói rõ tên của đơn vị chủ quản khoản nợ, người tiêu dùng cần tìm cách nói chuyện, trao đổi để có thể xác định được tên của đơn vị liên quan. Chỉ khi có được thông tin của đơn vị này, người tiêu dùng mới có cơ sở để khiếu nại tới các cơ quan quản lý, từ đó các cơ quan quản lý có cơ sở.

Tìm hiểu thêm:  ASRock giới thiệu bo mạch chủ Kaby Lake tại Việt Nam

Trong quá trình trao đổi với nhân viên liên hệ, người tiêu dùng cần chủ động đề nghị nhân viên xác nhận lại thông tin về việc thu hồi nợ nhầm đối tượng. Đồng thời, trên cơ sở xác định chính xác tên của đơn vị chủ quản khoản nợ, người tiêu dùng có thể tiếp tục liên hệ (thông qua điện thoại hoặc qua email) để đề nghị đơn vị này tiếp nhận và giải quyết vấn đề của người tiêu dùng.

Trường hợp đã thông báo, đề nghị nhưng vẫn tiếp tục bị gọi điện quấy rối, người tiêu dùng có thể thực hiện khiếu nại về hành vi nêu trên tới Cục CT&BVNTD. Nội dung khiếu nại cần cung cấp số điện thoại, họ tên của người tiêu dùng; tên của đơn vị liên quan và tóm tắt nội dung vụ việc của người tiêu dùng.