ThuanNguyen.NET – Kỷ nguyên của kết nối và kiến tạo

Bình chọn

Bo mạch chủ ( mainboard) MSI Z170A MPOWER GAMING TITANIUM là một sản phẩm khá thú vị. Nó được giới thiệu vào giai đoạn cuối của kỷ nguyên Skylake và cũng là thời điểm mà mọi người đang mong đợi những sản phẩm mới của nền tảng Kaby Lake. Tuy nhiên có lẽ cũng vì vậy mà thương hiệu Đài Loan MSI sẵn sàng “chơi lấy tiếng”, tính năng được trang bị đến tận răng mà giá lại khá mềm: 6,6 triệu đồng. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có nên đầu tư một bo mạch chủ Z170 trong thời điểm Kaby Lake chuẩn bị được bán hay không?

MSI Z170A MPOWER GAMING TITANIUM

Thông tin về bo mạch chủ MSI Z170A MPOWER GAMING TITANIUM

MSI MPOWER Z170A GAMING TITANIUM (trong bài mình sẽ gọi tắt là MPOWER) là dòng bo mạch chủ sử dụng chipset Intel Z170, tương thích với các CPU Skylake. Nó được hãng linh kiện Đài Loan giới thiệu trên toàn thế giới vào tháng 5 và bắt đầu bán tại Việt Nam vào khoảng tháng 8, tức chỉ vỏn vẹn 1 tháng trước khi Intel chính thức ra mắt thế hệ bộ xử lý Kaby Lake. Nói cho tròn, thời điểm xuất hiện của bo mạch chủ này tương đối trớt quớt. Tuy nhiên có lẽ cũng vì lý do này mà mặc dù giá bán lẻ chỉ có 6,6 triệu đồng, sản phẩm này được tích hợp gần như tất cả những tính năng mà bạn có thể trông đợi ở một dòng bo mạch chủ Z170 hướng đến đối tượng game thủ. Cùng với người anh em của mình là XPOWER (hướng tới dân OC, tính năng nhiều hơn giá cũng cao hơn), MPOWER thuộc dòng sản phẩm Titanium của MSI với đặc trưng là thiết kế cực độc nhờ tông màu xám bạc và “bọc giáp”.

Thông số kỹ thuật

  • Tên sản phẩm: MSI Z170A MPOWER GAMING TITANIUM
  • Chipset: Intel Z170
  • Socket: 1151 (Skylake)
  • Số khe RAM: 4 X DDR4 (hỗ trợ tối đa 3600 Mhz)
  • Số khe cắm PCIe 16x: 3 (hỗ trợ 2x SLI, 3x Crossfire)
  • Số khe cắm PCIe 1x: 3
  • Số cổng mở rộng lưu trữ: 6 x SATA 3, 2 x M.2, 1 x U2
  • Cổng mạng: 1x Intel Gigabit
  • Chip âm thanh: Realtek ALC1150 Codec
  • Cổng USB: chipset ASMedia (1 x USB 3.1 Gen2, 1 x USB 3.1 Gen2 Type C) và chipset Intel Z170 ( 6x USB 3.1 Gen1, 1 x USB
  • 3.1 Gen1 Type C, 6 x USB 2.0)
  • Các cổng kết nối khác: 1 x HDMI, 1 Optical Out, 5 jack 3.5 mm audio, 1 PS/2
  • Kích thước: ATX
  • Giá bán lẻ tại Việt Nam: khoảng 6,6 triệu đồng
  • Bảo hành chính hãng: 3 năm

Thiết kế ngầu, trang bị tính năng từ A-Z cho game thủ

Có môt sự thật là với đợt làm mới các dòng bo mạch chủ Skylake vào giữa năm nay, các nhà sản xuất gần như đã cạn kiệt ý tưởng về việc bổ sung tính năng. Thay vào đó, chúng ra bắt đầu thấy hàng loạt các sản phẩm đổi mới về thiết kế cũng như kèm theo đó là mức giá khá mềm (so với những tính năng mà nó mang lại). MSI Z170A MPOWER GAMING TITANIUM là một trong những điển hình của xu hướng này.

Tìm hiểu thêm:  Card màn hình là gì?

Thiết kế MSI Z170A MPOWER GAMING TITANIUM

Ấn tượng mạnh nhất khi bạn lần đầu tiên nhìn thấy sản phẩm này chính là tông màu chủ đạo là xám bạc, nét đặc trưng của series Titanium từ MSI. Trong thời điểm mà hầu hết các nhà sản xuất khác đều chọn màu đen “an toàn”, sự phá cách của MPOWER giúp thổi một luồng gió mới đến cho các game thủ muốn tìm sự khác biệt. Trên thực tế, chính phong cách độc lạ này đã tạo nguồn cảm hứng cho một số modder thiết kế thùng máy tông xẹt tông với nó, chẳng hạn như của bạn Đặng Thái Sơn khi kết hợp với thùng máy Master Box.

sự phá cách của MPOWER

 

Sự kết hợp giữa 2 màu tương phản xám và đen giúp MPOWER ghi điểm ngay từ khi “chưa lên đèn”, không giống như phần lớn các dòng bo mạch khác (kể cả những dòng cao cấp đắt tiền hơn nó rất nhiều). Nhưng ngặt nỗi có lẽ cũng chính vì vậy mà ngoài đèn LED báo trạng thái hệ thống, MSI cũng không tích hợp đèn LED trang trí đầy màu sắc mà các game thủ rất yêu thích. Đứng ở góc độ tích cực, bạn có thể xem đây là một chiếc bo mạch chủ đẹp không cần trang điểm, giúp giá mềm hơn kha khá. Còn đối với những bạn thích đèn đóm sặc sỡ thì dĩ nhiên là sẽ thất vọng. Nhưng có đi cũng phải có lại, ở phân khúc giá khoảng 7 triệu thì chẳng mấy bo mạch chủ được tích hợp “đủ đèn” để làm hài lòng game thủ.

Một trong những điểm ăn tiền nhất của MPOWER đó chính là việc nó được trang bị “giáp lưng” với tông màu trắng cực kỳ đẹp mắt. Theo quảng cáo của hãng thì phần giáp này không chỉ để cho đẹp mà còn giúp gia cố phần PCB, giúp bo có thể chống chịu tốt hơn khi dùng tản bự hay card màn hình khủng. Còn theo cá nhân mình thì thật ra thấy nó chỉ có màu là chính, tác dụng chẳng bao nhiêu. Cơ mà thà có còn hơn không, thà mặc giáp đẹp còn hơn là trần trụi. Bạn cũng sẽ thấy logo rồng của MSI với màu đen nổi bật và dự là sẽ không bao giờ gặp lại nó một khi đã gắn vào thùng.

MPOWER sử dụng socket LGA 1151, giúp nó tương thích với tất cả các CPU Intel Skylake. Không gian xung quanh socket CPU được làm khá thông thoáng, vì vậy bạn sẽ không gặp bất kỳ trở ngại nào khi gắn những tản nhiệt to bự đắt tiền. Một điều mình không thích lắm ở các bo mạch chủ Skylake (và tất cả những nền tảng máy tính phổ thông) là việc bạn phải tốn nhiều công sức hơn khi dùng tản nhiệt cao cấp. Chẳng hạn như đối với nền tảng X99, phía sau socket có sẵn một miếng thép đỡ, còn Z170 thì bạn phải gắn thêm vào khá phiền phức. Dĩ nhiên, cái này là do mình hơi khó tính, nhưng trong thời buổi này cũng chẳng mấy bạn game thủ đã chơi đến main cao cấp như vầy mà lại xài tản nhiệt stock cả.

Tìm hiểu thêm:  HDD Server và HDD PC có gì khác nhau?

Linh kiện sử dụng trong MPOWER đều là hàng cao cấp đạt chuẩn Military Grade 5 (tạm hiểu là chuẩn quân đội cấp 5, càng cao càng xịn) của MSI. Đặc biệt là sự xuất hiện của các tụ Titanium, nói chung là đến cấp độ này thì giới hạn ép xung chỉ phụ thuộc vào độ tốt của CPU cũng như giải pháp tản nhiệt mà bạn lựa chọn.

Cụm chip âm thanh của MPOWER được đưa ra một góc, sử dụng chip Realtek® ALC1150 Codec hỗ trợ 7.1 kênh. Nói chung cũng thuộc loại tốt nhưng không phải hàng cao cấp, một điều cũng tương đối dễ hiểu trong tầm giá này. MSI cũng tích hợp một số công nghệ âm thanh đặc trưng của mình như Nahimic Audio Enhancer và Audio Boost 3 giúp tăng cường trải nghiệm âm thanh, ít nhất là theo lý thuyết là vậy.

Như thường lệ, chipset Intel Z170 được “ẩn giấu” dưới một khối tản nhiệt mang logo rồng. Điều mình thích là logo này được sơn lên, đem đến cảm giác cao cấp chứ không như một số hãng giá đến 9-10 triệu mà vẫn còn chơi dán sticker. Điều mình không thích là cứ theo truyền thống của MSI, gắn card vào là xác định cái đầu rồng bị cắt mất nhìn khá ư là kỳ cục.

MPOWER được trang bị 4 khe RAM DDR4, hỗ trợ tốc độ tối đa 3600 MHz. Bản thân bo mạch này hỗ trợ XMP, vì vậy nếu bạn sắm các dòng RAM cao cấp tốc độ cao hỗ trợ XMP thì chỉ cần vào BIOS kích lên một phát là chạy đúng xung nhịp của RAM. Còn còn không thì dĩ nhiên là bạn có thể chỉnh bằng tay. Một trong những điểm mà mình không thích lắm ở MSI là từ dòng cao đến dòng thấp, tất cả các khe RAM đều làm màu đen nên hơi khó phân biệt nếu bạn chỉ cắm 2 thanh RAM chạy kênh đôi. Được cái là khe RAM của MPOWER bọc thép nhìn đẹp, mà thật sự là nó để cho đẹp thôi chứ RAM bây giờ nhẹ hều chẳng cần phải gia cố như khe cắm card màn hình.

Từ vị trí của các khe RAM nhìn lên một tí bạn sẽ thấy một bảng số điện tử. Nhiệm vụ của nó là báo lỗi (nếu có) để bạn dễ biết mà xử lý, thay vì phải nghe mấy tiếng beep beep như những dòng cấp thấp. Trong trường hợp hoạt động bình thường, bảng điện tử này sẽ thể hiện nhiệt độ của CPU để bạn dễ theo dõi.

Chúng ta có 3 khe PCIe 16x để cắm card màn hình, tất cả đều được gia cố bằng thép để tăng độ bền giúp bạn tự tin trong những ngày ấy khi xài card màn hình khủng. Cần lưu ý MPOWER chỉ hỗ trợ chạy SLI tối đa 2 card mà thôi, cũng không có vấn đề gì khi đợt GeForce 10 mới nhất cũng chỉ tối ưu cho 2 card. Trong khi đó nếu muốn tận dụng khe cắm PCIe 16x thứ 3 thì bạn phải chuyển qua dùng card AMD để chạy Crossfire. Đặc trưng của nền tảng Skylake là CPU chỉ hỗ trợ tối đa 28 làn PCIe 3.0, vì vậy thiết lập của các khe sẽ là 16x/0x/4x hoặc 8x/8x/4x. Muốn chạy 2 card ở 16x thì bạn phải chuyển qua dùng X99. Chúng ta cũng có 3 khe PCIe 1x để bạn cắm thêm card mở rộng, chẳng hạn như card âm thanh.

Tìm hiểu thêm:  Thế hệ co-processor Xeon Phi mới dùng cho xử lý trí tuệ nhân tạo

Một trong những điểm khiến MPOWER nổi bật so với phần còn lại về tính năng đó chính là nó hỗ trợ đến 2 khe M.2. Dĩ nhiên do hạn chế về băng thông của nền tảng Z170, khe số 1 (M2_1) chia sẻ băng thông với kết nối SATA 1,2,5,6. Trong khi đó thì khe số 2 (M2_2) chia sẻ băng thông với cổng U2. Nói chung là việc kết hợp đống này khá phức tạp bạn có thể tham khảo trong bảng bên dưới.

Đây là một điển hình của việc tích hợp quá nhiều chuẩn kết nối trong một bo mạch phổ thông (Z170), buộc chúng phải chia sẻ băng thông với nhau và thực chất là bạn cũng chẳng thể sử dụng hết được. Tuy nhiên nói đi thì cũng phải nói lại, MPower là một trong những dòng bo mạch chủ Z170 giá mềm nhất hiện nay được trang bị đến 2 khe M.2 và 1 cổng U2.

Một điểm mình khá thích của MPower là cổng SATA 1 và 2 được thiết kế ở góc bên dưới, hướng lên trên rất tiện trong trường hợp bạn thường xuyên thay đổi ổ cứng (như mình). Kiểu hướng bên hông thì đúng là rất gọn để đi dây nên hầu hết các hãng đều thiết kế như vậy, ngặt nỗi ai giống như mình thường test máy thì chuyện thay bo thay ổ cứng xoành xoạch sẽ cảm thấy rất ư là bi kịch.

Các cổng kết nối thông dụng được đưa ra phía sau (của thùng máy). Bạn sẽ thấy những kết nối tiêu chuẩn như USB, Ethernet, jack âm thanh, optical out và PS/2. Không giống như X99, hầu hết các CPU Skylake (trừ mấy con Xeon) đều được tích hợp GPU nên bạn sẽ có cổng xuất hình gồm DVI và HDMI. Cái này thì tốt cho việc chữa cháy, chẳng may con GPU khủng của bạn tạch thì cũng có cái mà xài đỡ. Hoặc giả lỡ đổ hết tiền cho CPU với main nên phải chống đói gom tiền mua GPU cho nó tương xứng.

Nói chung là về tổng thể, MSI Z170A MPower Gaming Titanium là một dòng bo mạch chủ được trang bị tính năng đến tận răng, đáp ứng tất cả nhu cầu của các bạn game thủ hiện nay. Có chăng khó tính hơn một tí thì nó vẫn thiếu dàn nút bấm chuyên dụng dành cho dân ép xung, mà cái đó thì bạn phải chuyển qua dòng Xpower giá đắt hơn kha khá.

ThuanNguyen.Net